Deprecated: preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead in /www/wwwroot/thpttuachua.dienbien.edu.vn/includes/countries.php on line 435
 BÁC HỒ TRONG TÔI -
Bây giờ là : 20:31 EDT Thứ năm, 25/04/2024

MENU TIN TỨC

Bạn thuộc thành phần nào dưới đây?

Cán bộ

Giáo viên

Phụ huynh học sinh

Học sinh

Thành phần khác

Liên kết web

 

 

 

Trường học kết nối
Tài nguyên giáo dục
Cổng thông tin thi và tuyển sinh
Sở Giáo dục và Đào tạo
Bộ Giáo dục và Đào tạo

BÁC HỒ TRONG TÔI

Thứ tư - 06/05/2020 22:14
BÁC HỒ TRONG TÔI

BÁC HỒ TRONG TÔI

Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều
Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu?
       Đến bây giờ tôi vẫn nhớ nét mặt buồn thật buồn và đôi xa xăm của bà nội khi kể về những ngày mùa thu năm 1969. Bà tôi kể rằng ở làng tôi khi nghe tin Bác Hồ mất ai cũng khóc. Người ta thông báo cho nhau tin Bác mất trong giàn dụa nước mắt, trong những tiếng nấc nghẹn ngào “Bác… Hồ… của chúng ta mất rồi…”. Trong khói hương nghi ngút, mọi người cứ ôm nhau khóc... Trời đất thì cứ sụt sùi mưa dai dẳng, bao trùm khắp làng là không khí lễ tang, nhà nào cũng buồn như có người thân vừa mất…
        Ngày đó tôi còn rất nhỏ, lần đầu tiên được nghe chuyện tôi cứ thầm thắc mắc mãi một điều là tại sao khi Bác Hồ ra đi thì ai ai cũng khóc, đến như bà như mẹ …chưa một lần được gặp Người cũng khóc vì thương vì nhớ Người? Và trong đầu óc ngây thơ của mình, tôi cũng không hình dung nổi là nỗi đau mất Bác đau đến nhường nào nhưng tôi vẫn thấy rất buồn và nước mắt cứ dưng dưng.
        Khi lớn lên càng đi nhiều, nghe nhiều, đọc nhiều về Bác tôi càng hiểu và cảm phục hơn về sự vĩ đại của Người. Bác Hồ được thế giới tôn vinh là “anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới”. Đối với dân tộc mình Người đã trở thành thánh nhân được nhân dân tôn kính đưa lên bàn thờ để thờ. Từ những nơi xa xôi, bạn bè quốc tế cũng hết lời ca ngợi Hồ Chí Minh một nhân vật lạ kỳ của thời đại. Những ai được biết đến Người đều ngưỡng mộ tài năng và kính trọng nhân cách của Người. Và tôi đã hiểu được vì sao ngày Bác Hồ ra đi thì ai ai cũng khóc “đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa” vì trái tim vĩ đại của Người đã ngừng đập, vì khối óc vĩ đại của Người đã không còn. Than ôi còn nỗi đau nào đau hơn thế…!
        Bác Hồ như cây đại thụ đã ra đi mà bóng mát cho đời còn ở lại không chỉ bởi công lao trời cao biển sâu không đo không đếm được của Người đã mang lại tự do, ấm no cho dân tộc mà còn bởi  đạo đức, nhân cách, bởi tình yêu thương con người vô bờ bến, bởi sự tận tuỵ hy sinh đến quên mình vì dân vì nước … và còn nhiều điều không thể kể hết được bằng lời, bằng giấy mực. Tôi biết điều đó và mỗi người Việt Nam cũng đều biết điều đó.
        Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo đã đặt nhân cách, đạo đức lên hàng đầu, đó là điều làm cho Người khác biệt hẳn với hầu hết các nhà lãnh đạo khác ở cả ta và Tây. Chính vì tận trung với nước, tận hiếu với dân nên Người đã hy sinh hạnh phúc riêng tư của bản thân, dành trọn cuộc đời cho niềm hạnh phúc lớn lao của một “gia đình lớn” đó là dân tộc Việt Nam vì một ngày đất nước chưa độc lập, đồng bào còn chịu khổ là một ngày Người ăn không ngon, ngủ không yên.
        Cuộc đời Bác Hồ mồ côi mẹ từ năm lên mười, thiếu thốn tình cảm và sống một tuổi thơ lênh đênh chìm nổi với bao vui buồn trong cảnh “nước mất gia bần”. Ở tuổi đôi mươi, Người giã biệt cha già đi năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước, cứu dân. Nỗi thương người, thương đời cứ làm cho lòng dạ người thanh niên trẻ tuổi ấy chẳng khi nào được thảnh thơi. Một con người bằng da bằng thịt, giàu tình cảm mà qua cả thời trai trẻ không để lòng mình kịp có những phút xao lòng thổn thức vì ai. Tôi đã đọc tiểu thuyết Búp Sen Xanh của nhà văn Sơn Tùng và xúc động mãi với những lời thoại của Người đêm trước khi xuất dương với út Huệ (người con gái có tình cảm với Người sau này đã trở thành người tu hành để giữ trọn lòng trinh bạch với người mình yêu) rằng “Cô Út ạ. Ai chẳng muốn có một cuộc sống êm đềm bên cạnh những người thân yêu. Nhưng tình cảnh nước mình tôi không thể ngồi yên một chỗ, xây dựng cho mình riêng một tổ ấm được”. Người đã quyết ra đi bỏ lại tất cả những gì quan trọng nhất theo lẽ thường với cuộc đời riêng của mỗi con người.
        Suốt 30 năm trên hành trình vạn dặm ấy có thể có giây phút nào đó bất chợt trong đời, Người đã phải đối mặt với sự cô đơn của một người xa xứ, chịu đựng bao vất vả khó khăn, nghi kỵ, hiểu lầm. Có thể, có lúc Người sẽ nhớ nhà, nhớ quê hương da diết cồn cào. Nhưng điều tuyệt vời nhất là Người đã để cho những tình cảm lớn hơn sưởi ấm lòng mình, là động lực giúp Người vươn lên, vượt lên tất cả. Con người ấy vốn chẳng phải thần thánh mà chỉ đơn giản  là một con người rất đỗi đời thường nhưng có tầm vóc cao quý và một trái tim vô biên với dân tộc, với thế giới mà thôi.
        Một người đã đi gần trọn con đường dài xa, đã làm được bao nhiêu việc lớn cho dân cho nước mà gần nửa thế kỷ mới về thăm quê hương nghĩa nặng tình sâu, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Khi đi trai trẻ nay trở về mái đầu đã bạc. Nhà Bác vẫn còn đây - một ngôi nhà tranh mộc mạc đơn sơ, cảnh vật không thay đổi nhiều nhưng những người thân trong gia đình Bác không còn một ai. Cha già mất ở miền Nam, mộ ở miền Nam Bác còn chưa vào thăm được. Anh mất rồi đến chị mất, Bác đều không về chịu tang được. Gạt đi nỗi niềm của “người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước” ngày trở về Bác chỉ nói đến niềm vui “Tôi xa quê đã 50 năm rồi. Thường tình người ta xa nhà, lúc trở về thì mừng mừng tủi tủi. Nhưng tôi không tủi mà chỉ thấy mừng. Bởi, khi tôi ra đi, nhân dân ta còn nô lệ, bị bọn phong kiến đế quốc đè đầu cưỡi cổ. Bây giờ tôi về thì đất nước đã được giải phóng, nhân dân đã được tự do”.
        Cả một cuộc đời như cánh chim không mỏi, mặc cho thời gian cứ mải miết trôi Người cha già dân tộc cứ mải miết với bất tận những lo toan, bận rộn của công việc vì nước, vì dân thấm thoát đã đến những mùa xuân của tuổi xế chiều. Bác vẫn sống một mình trong một cõi riêng tư thật nghèo nàn, không gia đình, không con cái. Tôi còn nhớ mãi một câu chuyện về Bác ở một khía cạnh rất bình thường nhưng nó cứ ám ảnh, day dứt mãi trong tôi về một nỗi niềm riêng rất kín đáo của Người. Câu chuyện kể rằng có những đêm khuya rồi, Bác đã tắt đèn, nhưng trong phòng vẫn có tiếng đài. Đồng chí Vũ Kỳ tưởng Bác đã ngủ, rón rén đến tắt. Bác ngăn lại: “Đừng… Cứ để thế cho căn phòng Bác nó ấm, vì có tiếng người, tiếng phụ nữ…”. Những đêm dài làm việc và suy nghĩ một mình Bác chỉ có bạn là tiếng người nói, tiếng người hát từ trong chiếc đài đã cũ của mình. Bạn của người chỉ là cây trong vườn, cá dưới nước, là ánh trăng khuya... Liệu những người bạn đó có hiểu được nỗi niềm của Người chăng?
        Vẫn một niềm đau đáu vì nước, vì dân nên khi có dự cảm về quãng thời gian cuối của cuộc đời Bác Hồ đã đặt bút viết di chúc để dặn lại những gì Người cho là quan trọng trước khi từ giã cõi đời. Trong Di chúc phần nói về mình, về việc riêng Người cũng chỉ dành cho mình đúng 79 chữ - 79 chữ để tổng kết cả một đời người 79 năm. Nhưng ngay cả đến một nhúm chữ ít ỏi đó Người cũng lại chỉ canh cánh lo cho dân, không muốn tổ chức tang lễ điếu phúng linh đình để đỡ tốn thời giờ và tiền bạc của dân. Có lẽ lịch sử khó lặp lại lần thứ hai, khó có quốc gia nào trên thế giới vinh dự có được một vị lãnh tụ trí tuệ thiên tài và tình cảm bao la như Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Ở Bác là nơi hội tụ và tỏa sáng những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng long trời, lở đất của Người tiếng thơm lan khắp năm châu bốn bể mà trong đời sống hàng ngày Người lại rất đỗi khiêm tốn và giản dị. Ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng và sau 30 năm bôn ba Người trở về với bộ quần áo chàm, chiếc va ly mây và một chân lý như mặt trời chiếu sáng đem lại độc lập cho dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Người  đã từ chối vinh hoa phú quý của bản thân, không ở dinh thự dành cho nguyên thủ quốc gia mà ở một ngôi nhà sàn gỗ đơn sơ. Sinh thời Hồ Chí Minh  không đồng ý cho đúc tượng mình. Các nhà văn, nhà Báo có ý định trực tiếp phỏng vấn Người để viết tiểu sử về Người thì họ đều thất bại vì một lý do rất đơn giản là với Người điều đáng nói đáng làm hơn cả là dân tộc chứ không phải là cá nhân.
        Nếu chỉ nhìn vào bề ngoài và sinh hoạt hàng ngày thì không một ai có thể phân biệt được đâu là vị chủ tịch nước đâu là người dân thường bởi cuộc sống rất giản đơn đạm bạc. Bữa ăn của Người là bữa ăn của một nông dân nghèo. Khó kiếm thay một người công lao đã đạt đến đỉnh cao nhất của vinh quang mà vẫn giữ tính khiêm tốn, giản dị như một người dân bình thường. Cuộc đời của Người, nếp sống của Người là một bài học lớn cho các cán bộ cấp dưới nên ta hiểu vì sao trong những năm chiến tranh, đất nước loạn lạc, mà xã hội lại rất thanh bình, lòng dân không ly tán.
        Khi Bác đã đi xa tài sản vật chất của cá nhân để lại có những gì? Chỉ có tấm áo kaki, có đôi dép cao su, có chiếc quạt bằng lá cọ, có chiếc đài cũ…Còn tinh thần ư? Cho đến lúc đi xa, trên ngực Bác vẫn không một tấm Huân chương.
        Một người dường như không có gì cả cho bản thân nhưng lại có cả một di sản đồ sộ cho dân tộc, đó là một đất nước độc lập, toàn vẹn, một sự nghiệp cách mạng chói ngời, một tấm gương trong sáng và lối sống cao đẹp đến tinh khiết. Người đó là Bác Hồ - là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
        Chiến tranh đã lùi xa, ký ức về chiến thắng của dân tộc ta trước những tên đế quốc có sức mạnh vật chất kinh khủng và mù quáng đã trở thành trang lịch sử vàng của dân tộc. Có thể thời gian đã mờ đi ký ức, làm vơi đi nỗi đau chiến tranh  cho nhiều người. Nhưng cũng chính thời gian đã làm nhiều con người sinh ra trong hoà bình, sống cảnh trời yên biển lặng, nước non thanh bình đã không hiểu được giá trị của hoà bình của cuộc sống  ấm no, tự do, hạnh phúc hôm nay mà coi cuộc sống đó như điều hiển nhiên vốn có. Họ không còn xúc động nhiều khi nhắc đến công lao của những người đã xả thân không tiếc máu xương, sinh mạng của mình để đánh đuổi quân thù giành độc lập và nghe kể về công lao Bác Hồ như chuyện cổ tích xa xưa. Điều đó thật đáng tiếc!
        Giữa bộn bề cuộc sống hối hả như guồng quay ta hãy tĩnh tâm để nghĩ về những điều sâu xa nhất, cội rễ của cuộc sống này. Khi đất nước bị quân thù rày xéo có biết kiếp người sống giữa quê hương mà như kiếp lưu đày, họ bị bóc lột, bị đòn roi tra tấn dã man, họ bị bắt đi phu, đi lính, bị bắn, bị giết màu chảy đầu rơi rất thê thảm… Đó chỉ là một số trong vô vàn những nỗi đắng cay tủ nhục không kể hết bằng lời ở bất cứ nơi đâu người dân bị mất nước, mất tự do.
        Chắc hẳn là người Việt Nam ai cũng từng ít nhất một lần nghe nói đến nạn đói khủng khiếp của dân ta năm Ất Dậu 1945 vì phát xít Nhật dã bắt dân ta phải nhổ lúa để trồng đay, bắt  dân ta phải nộp sưu cao thuế nặng… Chết vì đói là cái chết đáng sợ nhất của bất cứ sinh vật nào bởi đó là cái chết đến từ từ, không ngừng giày xéo, đày đọa con người trong đau đớn, tủi nhục và sợ hãi. Vậy mà không chỉ có người bị chết đói mà còn có cả nhà bị chết đói, cả dòng họ bị chết đói, cả làng cả xóm cùng chết vì đói… cả thẩy có đến hai triệu người bị chết đói. Thảm cảnh kinh hoàng ấy khiến bất cứ ai biết đến cũng phải rơi nước mắt, căm thù bè lũ cướp nước đến tận xương, tận tuỷ. Tôi thấy đau đớn vô cùng khi nhìn ảnh một em bé chỉ khoảng ba tuổi với bộ xương bọc da không quần, không áo đang ngồi gục chết dần mòn vì đói bên cạnh một con quạ đen đang chờ để mổ xác. Nhìn mà so sánh với những em bé được nâng nưu chăm bẵm hôm nay ta sẽ  thấy sót sa lắm! đau đớn lắm! cũng một kiếp người. Nếu không có Bác Hồ đã quên mình hi sinh tất cả. Nếu không có những người đã xả thân không tiếc xương máu để đánh đuổi quân giặc thì cảnh sống như địa ngục trần gian kia biết có ngày nào mới kết thúc?
        Thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó ta phải sống trong cảnh bom rơi đạn lạc, cảnh miếng ăn đến miệng còn bị cướp mất, cảnh những đưa trẻ ra khỏi nhà rồi mãi mãi không về, cảnh những con người trẻ tuổi phải nối tiếp nhau ra chiến trường để rồi bị vùi lấp trong bom rơi đạn nổ giữa tuổi xuân xanh đẹp nhất của đời người… Có lẽ chỉ là tượng tượng thôi cũng đủ làm bạn thấy hoảng loạn và khiếp sợ! Hoài niệm và suy ngẫm về một lát cắt tối tăm trong lịch sử dân tộc mình để yêu cuộc sống thanh bình sạch bóng quân thù, để hiểu hơn công ơn của Đảng của Bác và trân trọng hơn sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ để ta có cuộc sống hoà bình, no ấm hôm nay.
        Đất nước ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội - đang đi con đường mà Bác đã chọn. Mặc dù cuộc sống hôm nay ở đâu đó vẫn còn có sự bất công, vẫn có nỗi đau riêng của người này, người khác nhưng chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc mình người dân có quyền dân chủ và được chăm lo tạo điều kiện để sinh sống, làm ăn thuận lợi nhiều đến thế.
        Bác đã đi xa nhưng công lao và nhân cách đạo đức của Người vẫn có sức lan toả, cảm hoá hàng triệu triệu người. Nơi Bác từng ở và bất cứ nơi nào còn có những kỷ vật của Bác thì nơi đó vẫn là điểm đến không thể thiếu trong tâm thức người Việt Nam. Tình cảm yêu thương ngưỡng mộ của lớp lớp các thế hệ người Việt Nam và bạn bè năm châu đối với Bác dường như không có ranh giới thời gian. Hàng ngày dòng người vào Lăng viếng Bác và hành hương về thăm quê Bác vẫn dài bất tận, trong đó có cả những em nhỏ được mẹ bế trên tay và những cụ già phải có người dìu đi… nhưng tất cả đều chung một niềm xúc động nghẹn ngào và nhớ Bác khôn nguôi!
        Lớp trẻ hôm nay như tôi, như bạn chưa một lần có cơ hội gặp Bác Hồ và mãi mãi không bao giờ có cơ hội được gặp Người, được trực tiếp nghe giọng nói trầm ấm của Người và vĩnh viễn không thể cảm nhận niềm vui trong mắt Bác Hồ cười. Hẳn đó là một thiệt thòi vô cùng lớn của những người “sinh sau đẻ muộn”! Dù xa cách trong sinh li tử biệt nhưng hậu thế sẽ còn kể mãi, viết tiếp mãi những tình cảm dành cho Người, thực hiện tư tưởng của Người. Bác Hồ vẫn về trong những giấc mơ, trong ký ức của mỗi con người Việt Nam biết sống có nguồn có cội.
        Hậu thế hôm nay luôn tự hào mình là người Việt Nam con cháu Bác Hồ và thấy rằng “yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”. Xin mượn ý của một nhà báo ở châu Đại Dương thay cho lời kết những dòng suy ngẫm về Người rằng “Người ta không thể trở thành một Cụ Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ, mỗi người có thể học một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn”.

Tác giả bài viết: Giảng viên Tổ Lý luận Chính trị - Trường CĐSP Điện BiênTrần Thanh Thủy -

Nguồn tin: THPT Tủa Chùa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Bài giảng e-learning

Tìm kiếm tài liệu