Chương trình học phổ thông nặng nhưng giáo viên không dám đổi mới
Chương trình học quá nặng
Thạc sĩ Hồ Thanh Tâm, giảng viên bộ môn Lịch sử của trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng môn Lịch sử cũng như các môn xã hội có vị trí quan trọng trong việc giáo dục ý thức nhân cách con người. Ông Tâm đánh giá hiện nay học sinh ở phổ thông phải học chương trình có dung lượng rất nặng nề, bề rộng mênh mông. Trong đó nội dung bao gồm các sự kiện diễn ra từ nguyên thủy cho tới hiện đại của lịch sử dân tộc cũng như của thế giới trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật được lặp đi lặp lại từ cấp THCS đến THPT theo tâm lý đồng tâm chứ không phải một đường thẳng. Với dung lượng “đồ sộ” như thế nhưng học sinh lớp 10 chỉ học 1,5 tiết/tuần; lớp 11 và 12 đều chỉ có 1 tiết/tuần thì hiển nhiên người giáo viên chỉ còn cách giảng bài theo kiểu chạy bài để kịp chương trình chứ không còn phương pháp nào nào khác.
Tương tự, thạc sĩ Lê Thanh Hà, giám đốc Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TPHCM nhìn nhận “chương trình giáo dục quốc dân đang được dạy hiện nay nếu giáo viên dạy đúng thì theo sách giáo khoa thôi là đã không xong vì nội dung mang tính hàn lâm, ở môn giáo dục công dân mặc dù đã tránh các từ triết học nhưng thực chất là triết học nhập môn”. Ông Hà cho rằng việc thực hiện một bộ sách giáo khoa ở ta rất đặc biệt vì phía xây dựng khung chương trình và phía viết sách lại là hai bộ phận khác. Hi vọng đợt đổi mới chương trình giáo dục sắp tới sẽ thống nhất đội ngũ xây dựng chương trình và người viết sách.
Bà Dương Thị Trúc Bạch, phó chủ tịch Hội Khuyến học TPHCM, nguyên hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng nhìn nhận rằng hai bộ phận xây dựng khung chương trình và viết sách phải ngồi lại thống nhất với nhau. “Sắp tới cũng đổi mới, thay sách giáo khoa nhưng nếu vẫn làm như kiểu cũ thì e rằng đâu lại vào đấy”, bà Bạch lo ngại.
Theo thạc sĩ Hồ Thanh Tâm, với dung lượng nặng nề như thế thì sắp tới đề nghị cần có sự thay đổi. “Trước hết là giảm độ rộng, tăng chiều sâu của các chủ đề quy định, chú trọng các khâu luyện tập và thực hành”.
Không dám đổi mới
Theo thạc sĩ Hồ Thanh Tâm, nhiều giáo viên dù thích những phương pháp dạy hiện đại, tạo lý thú cho học sinh hơn như nhập vai đóng giả, phương pháp tự học, thảo luận… nhưng không thể ứng dụng.
“Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT là khuyến khích học sinh trình bày tư duy mới, khuyên khích học sinh nói khác với giáo viên tuy nhiên đề thi và đề đánh giá của trường hoặc thi cấp cao hơn thì lại yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng. Chính vì thế những ý kiến thảo luận cho học sinh không có hiệu quả gì cả. Cũng vì vậy nên sau một thời gian giáo viên có tâm huyết đổi mới nhưng những ràng buộc này khiến họ không còn lửa để tâm huyết đổi mới”, ông Tâm chia sẻ.
Bà Dương Thị Trúc Bạch cũng chia sẻ rằng, “trước đây trường tôi (trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - PV) được thí điểm mô hình dạy phương pháp mới của Intel. Cách học này dạy cho học sinh học thông qua cách làm việc nhóm như thuyết trình, yêu cầu học sinh tự chuẩn bị tìm tòi tư liệu, tăng khả năng hùng biện… Hầu như các lớp 10 và 11 đều học theo phương pháp này các em học sinh rất thích thú và năng động. Tuy nhiên chúng tôi không dám dạy phương pháp này ở lớp 12 vì việc đổi mới phương pháp và việc đánh giá thi cử không đồng bộ với nhau. Giáo viên đổi mới đã đời đến khi thi thì lại theo kiểu học cũ, nếu không thì dạy theo sách sao thi đậu”.
Thầy Nguyễn Tiến Vinh chia sẻ rằng các giáo viên không dám đổi mới phương pháp dạy vì chuẩn thi cử bám theo sách giáo khoa
Thầy Nguyễn Tiến Vinh, tổ trưởng bộ môn Lịch sử của trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tán đồng ý kiến chương trình rất nặng. Bản thân nhiều giáo viên bộ môn sử cũng nhìn nhận đây là môn phụ nên chỉ dạy trên tinh thần cho xong chứ không thể lòng ghép đạo lý hay ý thức công dân… Ông Vinh cũng cho rằng phải đổi mới chương trình bởi chương trình hiện nay rất nặng nề, dài nhất là ở khối lớp 12. Tập trung chủ yếu những kiến thức hàn lâm, học sinh vì thế rất sợ và dẫn đến coi thường môn này. “Tôi mong rằng cần có sự giảm tải để có những tiết học thảo luận, tích hợp ….”.
Chính vì chương trình nặng nề nên đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp nhưng khổ một điều là nhiều lúc giáo viên muốn đổi nhưng không dám bởi vì khi học sinh thi thì lại căn cứ vào kiểm tra kiến thức trong sách giáo khoa, tất cả thang điểm đều căn cứ vào sách giáo khoa. Ông Vinh bộc bạch rằng: “Nếu giáo viên đổi mới đưa ra những ý kiến mới nhưng lỡ không đủ ý như nội dung sách giáo khoa thì học sinh dễ bị mất điểm khi thi. Điều đó dẫn đến một thực trạng là giáo viên muốn đổi mới nhưng không thể làm được”.
Tác giả: Lê Phương
Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn