Nhìn những khuôn mặt học trò rạng ngời hạnh phúc trong ngày khai giảng, chúng tôi bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian cách đó không lâu, các thầy cô giáo trong ban vận động, tuyển sinh của trường THPT TC phải vượt qua hàng chục cây số đường đèo dốc, mưa trơn, khi sương mù vẫn còn phủ kín các sườn đồi, lưng núi lên đường vào tận thôn bản, vận động các em học sinh đến trường trước thềm năm học mới. Đi qua nhiều đoạn đèo dốc hiểm trở - có những đoạn đường chỉ chực chờ mưa là sạt lở, chúng tôi mới thấm thía được phần nào khó khăn của người dân sống nơi đây. Và theo chân các thầy cô đến từng gia đình vận động các em đến trường học mới thấu hiểu được sự vất vả trong sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao. Công việc thầm lặng và đầy vất vả ấy cũng không ngoài mục đích “gieo chữ “, thắp sáng ước mơ cho con em dân tộc trên vùng cao núi đá còn nhiều gian khó.
Chặng đường tuyển sinh đầy gian lao (Ảnh: Khắc Minh) Ai đã từng một lần đến với huyện vùng cao Tủa Chùa hẳn sẽ không quên những dốc núi quanh co, những khúc cua tay áo với một bên là núi đá, một bên là vực sâu thăm thẳm, nơi đó cũng là nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số Thái, Mông, Xạ Phang…. Thiên nhiên Tây Bắc khắc nghiệt, cuộc sống mưu sinh vất vả, mặt khác nhận thức của các bậc phụ huynh là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nên chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em mình. Nhiều em còn trong độ tuổi đến trường đã trở thành lao động chính của gia đình vì thế nhiều em chỉ học hết cấp II sau đó ở nhà làm nương rẫy phụ giúp gia đình. Cuộc sống khó khăn khiến cho tuổi thơ của nhiều em thuần túy chỉ là những ngày lên nương, lên rẫy mà không có có niềm vui của những ngày cắp sách đến trường. Bên cạnh đó, những học sinh nữ dân tộc ở các xã vùng sâu đặc biệt khó khăn như Huổi Só, Sín Chải, Lao Xả Phình…. đa phần kết hôn sớm, trở thành người vợ người mẹ khi chưa đến tuổi trưởng thành. Tất cả những điều đó làm dang dở ước mơ đến trường của con em dân tộc vùng cao. Và những điều đó cũng khiến hành trình vận động học sinh đến trường của giáo viên nhà trường vô cùng gian truân .Công việc dạy chữ tưởng chừng như đơn giản đối với giáo viên miền xuôi, nhưng với những người thầy vùng cao thì đó là cả một quá trình đầy vất vả, cực nhọc.
Thầy giáo Thào A Dì – GV Lịch Sử đã tâm sự rất thật: Cũng là người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên ở xã vùng cao nên thầy vô cùng thấu hiểu hoàn cảnh của các em học sinh nơi đây. Thầy mong muốn bằng nhiệt huyết của bản thân, bằng sự đồng cảm và sẻ chia, thầy sẽ giúp đỡ được nhiều em học sinh vùng cao đến gần hơn với ước mơ của mình. Trên facebook cá nhân thầy viết: ” vì tương lai phía trước, các em hãy cố gắng lên”. Đó cũng là mong ước của chúng tôi –những người theo nghiệp “cầm phấn” , “ươm mầm trên đá núi”.
Thầy Bùi Duy Hưng và Cô Bùi Thị Hằng trên đường tuyển sinh (Ảnh: Khắc Minh) Luôn tâm niệm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, bằng nỗ lực quyết tâm vượt khó những người thầy người cô trường THPT Tủa Chùa đang giang rộng vòng tay thân ái, nâng bước, chắp cánh ước mơ bay cao, bay xa cho con em các dân tộc vùng cao huyện Tủa Chùa. Dẫu biết còn nhiều khó khăn đang chờ đón ở phía trước nhưng chúng tôi quyết tâm vượt qua tất cả, để giữ nguyên vẹn nụ cười trên môi của các em học sinh trong ngày tựu trường. Và với những ai đã một lần lên với trường chúng tôi, xin hãy cùng chúng tôi chung tay thắp lửa trái tim, khơi nguồn ánh sáng cho một vùng cao Tủa Chùa rạng rỡ ngày mai.