Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến do chưa đọc kỹ và đọc hết các tài liệu mà Bộ GD&ĐT đã công bố nên có sự hiểu nhầm, dẫn đến những phán xét khá cực đoan. Tôi đã đọc và tìm hiểu kỹ những văn bản mà Bộ GD&ĐT công bố và các tài liệu liên quan. Xin có đôi ý kiến tham gia để rộng đường dư luận.
Những hình thức giáo dục thực tế này nếu tổ chức tốt còn có tác dụng và hiệu quả hơn nhiều lần những bài học lịch sử khô cứng, gò bó trong bốn bức tường lớp học.
Không chỉ giao phó cho mình môn Lịch sử
Trước hết tôi nghĩ cần phân biệt giáo dục lịch sử và môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông. Giáo dục Lịch sử là hết sức cần thiết và quan trọng nhưng nhiệm vụ đó không phải chỉ “khoán trắng” cho mình môn Lịch sử. Giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ phải từ và bằng nhiều con đường, nhiều hình thức; đành rằng môn Lịch sử đóng một vai trò cốt lõi.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, một bộ phim lịch sử hấp dẫn, một buổi ngoại khóa sinh động về những nhân chứng lịch sử có thật… còn có sức mạnh và tác dụng giáo dục lịch sử hơn nhiều bài học Lịch sử, nếu bài học đó viết không hay.
Vậy nên, thay vì tranh luận môn Lịch sử có phải là bắt buộc hay tự chọn nên chăng hãy bàn bạc, góp ý và trao đổi để tìm ra cách viết chương trình và SGK Lịch sử sao cho hấp dẫn, cho hay đối với HS; hãy bàn và hiến kế sao cho có nhiều hình thức giáo dục Lịch sử sinh động, phong phú: một bản nhạc, một tên đường, tên phố, một bộ phim, một tấm áp phích, pa-nô, một di tích người xưa để lại…. đều có thể giáo dục lịch sử có hiệu quả nếu có ý thức, nếu biết cách…Và đó là nhiệm vụ của tất cả mọi người, mọi ngành…không riêng gì ngành giáo dục, càng không phải chỉ giao phó cho mình môn Lịch sử.
Lịch sử vẫn là môn học bắt buộc
Tôi đã đọc và xem CTGDPT tổng thể cùng với phần giải thích và tài liệu hỏi đáp của Bộ GD công bố. Sự thật môn Lịch sử không bị gạt ra khỏi chương trình giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và trung học).
Ở giai đoạn GD cơ bản, nó vẫn còn và là nội dung bắt buộc, chỉ có điều chúng được tích hợp vào môn Khoa học xã hội. Môn học này gồm các phân môn Lịch sử, Địa lý là chính, đồng thời lồng ghép tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hoá, khoa học.
Đây cũng là hướng tích hợp mà nhiều nước có nền GD phát triển đã và đang thực hiện như Úc, Hàn Quốc, Canada, Singapore, Cộng hòa liên bang Đức, Hoa Kỳ…với tên môn học là Social Study (Tìm hiểu xã hội) hoặc Social Science (Khoa học xã hội).
Đến THPT nội dung giáo dục Lịch sử vẫn được dạy bắt buộc ở môn Công dân với tổ quốc. Môn học này ngoài nội dung giáo dục Công dân, giáo dục Quốc phòng- an ninh, còn có nội dung giáo dục Lịch sử.
Cùng với môn Công dân với tổ quốc, nội dung Lịch sử còn tiếp tục được dạy ở môn Khoa học xã hội là môn học tự chọn (TC2), tức là bắt buộc với tất cả học sinh định hướng nghề nghiệp về khoa học tự nhiên và công nghệ.
Trong thực tế xu hướng HS theo các ngành KHTN, kỹ thuật, công nghệ là rất đông, cho nên CTGD mới chủ trương dù đi vào lĩnh vực KHTN thì những HS này cũng cần có những hiểu biết cơ bản về KHXH trong đó có những tri thức lịch sử.
Còn môn Lịch sử tự chọn dành riêng cho số HS có nguyện vọng và sở thích đi sâu vào các ngành KHXH, trong đó có ngành Sử.
Như thế có thể thấy tất cả HS ở 3 cấp đều được học Lịch sử với yêu cầu bắt buộc qua môn Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, KHXH( ở TH và THCS) và qua môn Công dân với tổ quốc; một phần HS (ở THPT) sẽ học chuyên sâu về môn Lịch sử.
Lịch sử đi sâu vào giáo dục thực tế
Đổi mới chương trình lần này chủ trương thực hiện dạy học tích hợp theo các lĩnh vực. Một lĩnh vực sẽ có rất nhiều môn tham gia đóng góp. Nội dung và yêu cầu giáo dục Lịch sử không chỉ mình môn Lịch sử gánh vác mà còn có các môn như Ngữ văn, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục lối sống, Giáo dục công dân…cùng chia sẻ.
Ở môn Ngữ văn dạy bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là dạy một áng văn Nghị luận mẫu mực mà còn dạy văn bản đó như một văn kiện lịch sử vô giá, thông qua đó HS hiểu biết và thấm thía về tình cảm và tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bối cảnh của một giai đoạn lịch sử hết sức trong đại, đáng nhớ…Cũng như vậy tất cả các bài hát đưa vào chương trình môn Âm nhạc đều gắn với một giai đoạn Lịch sử, đều góp phần làm sống dậy những sự kiện và các nhân vật lịch sử, đều góp phần giáo dục Lịch sử.
Đặc biệt là qua các Hoạt động trải nghiệm sáng tạo được thực hiện ở cả 3 cấp. Với các hình thức đa dạng, phong phú, hoạt động trải nghiệm sáng tạo có điều kiện giáo dục Lịch sử bằng các hoạt động thực tế như: tham quan các di tích lịch sử, tổ chức sưu tầm, giới thiệu các tư liệu, con người và hiện vật lịch sử; đi thăm bảo tàng Lịch sử, viếng các nghĩa trang, giúp đỡ, thăm hỏi các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thương binh liệt sĩ, tổ chức dã ngoại về với cội nguồn, các chiến khu cách mạng, các làng nghề truyền thống, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Lịch sử…
Những hình thức giáo dục thực tế này nếu tổ chức tốt còn có tác dụng và hiệu quả hơn nhiều lần những bài học lịch sử khô cứng, gò bó trong bốn bức tường lớp học.
Tôi được biết, việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được tiến hành trong 2-3 năm nay, với sự tham gia của một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục đến từ các trường ĐH Sư phạm, các cơ sở đào tạo giáo viên trên khắp toàn quốc, trong đó có các GS, TS, chuyên gia và GV phổ thông môn Lịch sử.
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng đã được trao đổi ở rất nhiều Hội thảo khoa học ở cả ba miền trong thời gian 2-3 năm qua; cũng đã xin ý kiến của nhiều tổ chức chính trị và khoa học như UB Văn hóa, Giáo dục, thanh thiếu, niên nhi đồng của Quốc Hội, Ban tuyên giáo TW, Văn phòng Chính Phủ, Hội đồng QG giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; Liên hiệp các Hội khoa học- Kỹ thuật Việt Nam… Với quy trình như thế , tôi nghĩ vấn đề dạy học Lịch sử trong CTGD mới đã được cân nhắc.
Tác giả: Bình An
Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn