Deprecated: preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead in /www/wwwroot/thpttuachua.dienbien.edu.vn/includes/countries.php on line 435
GIAN NAN HÀNH TRÌNH GIEO CHỮ VÙNG CAO -

GIAN NAN HÀNH TRÌNH GIEO CHỮ VÙNG CAO

GIAN NAN HÀNH TRÌNH GIEO CHỮ VÙNG CAO
                                                           
                                           Bao lữ khách đi về trên bến vắng
                                Người sang sông, ai nhớ bến sông đời
                                Từng dòng chữ suốt một đời lặng lẽ,
                                Mãi âm thầm như bụi phấn rơi rơi…
       Mọi người thường hay ví nghề giáo như người lái đò chở khách sang sông. Trên bến bờ ấy, những thầy,cô giáo vẫn  mải miết truyền đạt kiến thức cho học sinh. Các em sẽ mãi không quên bởi lẽ các thầy,cô giáo không chỉ đơn thuần là người nâng cao hiểu biết, trí tuệ mà còn đem đến cho học sinh niềm vui, tình thương yêu và kĩ năng sống.
       Lúc sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng phát biểu: Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong các nghề cao quý. Nghề dạy học là một nghề sáng tạo bậc nhất trong các nghề sáng tạo vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo.
       Quả thật vậy, nghề dạy học là một nghề vô cùng cao quý, đào tạo nên nguồn nhân lực quyết định tới sự phát triển của đất nước. Để làm tốt được trọng trách ấy,những người thầy, người cô đã cống hiến sức lực, trí tuệ trên khắp mọi miền đất nước dìu dắt bao thế hệ học sinh trưởng thành. Trong số đó, không thể không kể đến những thầy, cô giáo công tác ở vùng cao, vùng khó khăn.
         Là một trong những huyện nghèo của tỉnh Điện Biên, Tủa Chùa  với phần lớn là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế gặp vô vàn khó khăn. Đây quả là thách thức lớn cho các thầy, cô giáo trên hành trình gieo chữ, ươm mầm tri thức. Nhớ lại những ngày đầu khi mới thành lập ngôi trường cấp II-II Tủa Chùa, phòng học là những ngôi nhà gỗ, tranh tre. Học sinh đến trường bữa đói,bữa no, giáo viên đứng lớp cũng gian nan không kém. Hơn thế nữa, nhận thức của các bậc phụ huynh là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nên việc quan tâm đến học tập của con em mình, việc đầu tư cho giáo dục phần nào cũng bị ảnh hưởng nhất định. Ở đây, dù đang trong độ tuổi đi học nhưng trẻ em lại là lực lượng lao động không thể thiếu trong nhiều gia đình. Cuộc sống khó khăn khiến cho tuổi thơ của nhiều em thuần túy chỉ là những ngày lên nương, lên rẫy mà không có con chữ, không có cặp sách để đến trường. Công việc dạy chữ tưởng chừng như đơn giản đối với giáo viên miền xuôi, nhưng với những người lên tới vùng cao thì đó là cả một quá trình đầy vất vả, cực nhọc. Không chỉ là người dạy chữ, giáo viên vùng cao Tủa Chùa còn là những người làm công tác dân vận,  đối đầu với bao thử thách hàng ngày. Song đây cũng chính là động lực giúp cho các thầy,cô giáo làm tròn sứ mệnh mang lại hiểu biết, thắp sáng tri thức cho con em dân tộc thiểu số vùng núi, vùng xa xôi hẻo lánh của đất nước.
            Vượt qua bao khó khăn, gian khổ, các thế hệ thầy, cô giáo nối tiếp nhau đã xây đắp nên mái trường THPT Tủa Chùa. Có được thành tích như ngày hôm nay phải kể đến công lao to lớn, sự hi sinh âm thầm của các thầy,các cô đã và đang công tác tại mảnh đất này. Họ thực sự xứng đáng là “những anh hùng vô danh” như lời Bác Hồ gọi ! Để có thể làm giàu hơn nữa thành tựu của nhà trường, để tiếp tục hành trình gieo chữ đồng thời giảm bớt những khó khăn cho giáo viên vùng cao, giải pháp thực sự hiệu quả là : Thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học, hỗ trợ xây dựng nhà ở nội trú cho học sinh, miễn học phí với học sinh dân tộc thiểu số khó khăn, trợ cấp tiền, gạo cho các em đi học... Ngoài ra, mỗi thầy giáo, cô giáo đều phải lao động thật nghiêm túc, không ngừng học tập nâng cao trình độ của bản thân và phải luôn luôn tu dưỡng đạo đức, đem hết sức mình cống hiến cho những thế hệ tương lai của đất nước. Những hoạt động xã hội hóa giáo dục, tuyên truyền, vận động để các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và đặc biệt là nhân dân nhận thức rõ việc cho con em đến trường, đến lớp sẽ mang lại lợi ích lâu dài trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
             Tin tưởng rằng với những cố gắng không mệt mỏi của thầy, trò, các ban, ngành, đoàn thể, trường THPT Tủa Chùa sẽ từng bước đi lên, nỗ lực  quyết tâm thi đua dạy thật tốt- học thật tốt- hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2016-2017, tạo đà cho những năm học tiếp theo- phấn đấu đưa trường sớm đạt trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2015-2020. Những thế hệ thầy, cô giáo hôm nay và cả những thế hệ trước đó đã, đang đóng góp cả cuộc đời của mình cho một tương lai tươi sáng hơn. Công trình vĩ đại của tri thức và lòng nhân ái đó chắc chắn sẽ rộng lớn và tráng lệ hơn khi những người đang chung tay xây dựng được xã hội ghi nhận và quan tâm sâu sắc. Đó sẽ là nguồn động lực to lớn để các thầy cô giáo vùng cao Tủa Chùa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thêm nỗ lực, thêm nhiệt huyết để mỗi bước chân đến trường, mỗi bước chân trên hành trình đến với văn minh hiện đại của các em học sinh thêm vững vàng hơn.
 

Tác giả bài viết: Đinh Bá Phương - Nguyên Phó HT nhà trường

Nguồn tin: THPT Tủa Chùa